Trong tiêu chuẩn ISO 45001 bao gồm 10 điều khoản, đây cũng chính là yêu cầu mà doanh nghiệp cần đáp ứng được khi áp dụng ISO 45001. Mời các bạn tham khảo các thông tin sau để hiểu về các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 45001.
Điều khoản 1: Phạm vi
Điều khoản này nêu chi tiết về phạm vi của tiêu chuẩn ISO 45001, quy định cụ thể các yêu cầu đối với hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Đồng thời đưa ra hướng dẫn sử dụng giúp doanh nghiệp cung cấp các điều kiện lao động an toàn và lành mạnh nhằm ngăn ngừa chấn thương và bệnh tật liên quan đến công việc và chủ động cải tiến kết quả hoạt động quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
Điều khoản 2: Tài liệu viện dẫn
Tiêu chuẩn ISO 45001 không có tài liệu viện dẫn riêng. Điều khoản này được giữ nguyên để duy trì cấu trúc đánh số giống như tất cả các hệ thống quản lý khác.
Điều khoản 3: Thuật ngữ và định nghĩa
Ban đầu, danh sách các thuật ngữ và định nghĩa hơi rắc rối vì không theo thứ tự chữ cái. Các thuật ngữ được liệt kê theo tầm quan trọng về khái niệm. Số lượng thuật ngữ và định nghĩa được mở rộng từ 23 trong tiêu chuẩn OHSAS 18001 đến 37 trong tiêu chuẩn ISO 45001 và đưa ra hướng dẫn và làm rõ hơn để tránh hiểu nhầm. Một số thuật ngữ mới đã được bổ sung và một số thuật ngữ trước đây đã được sửa đổi.
Điều khoản 4: Bối cảnh của tổ chức
Điều khoản này thiết lập bối cảnh của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp và làm cơ sở cho phần còn lại của tiêu chuẩn tạo cơ hội cho doanh nghiệp xác định và hiểu các yếu tố bên ngoài và nội bộ, các bên liên quan ảnh hưởng đến kết quả của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
Điều khoản này đề cập đến khái niệm hành động phòng ngừa:
- Thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định các vấn đề bên ngoài và nội bộ liên quan đến mục đích của hệ thống, tức là các vấn đề tác động hoặc ảnh hưởng đến khả năng đạt được của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
- Thứ hai, doanh nghiệp cần phải xác định và tính đến nhu cầu và mong đợi của các bên liên quan có liên quan đến hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Đây là điều nổi bật của ISO 45001 so với tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 và bao gồm người lao động và những người khác liên quan.
Tiếp theo, phạm vi của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp phải được xác định có tính đến những yếu tố trên. Cuối cùng, yêu cầu cuối cùng của Điều khoản này đó là nhằm thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn.
Điều khoản 5: Lãnh đạo và sự tham gia của người lao động
Điều khoản này nêu các yêu cầu về ‘lãnh đạo cao nhất’ là người chỉ đạo và kiểm soát doanh nghiệp ở cấp độ cao nhất. Cần lưu ý rằng nếu doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp là một phần của doanh nghiệp lớn hơn thì thuật ngữ ‘lãnh đạo cao nhất’ chỉ lãnh đạo ở doanh nghiệp nhỏ hơn. Lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và an toàn công việc của người lao động, xây dựng, lãnh đạo và thúc đẩy văn hóa hỗ trợ hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Lãnh đạo cần phải đảm bảo các yêu cầu được tích hợp vào các quá trình của doanh nghiệp, chính sách và mục tiêu phải phù hợp với định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Họ cũng phải thiết lập chính sách quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp và tiêu chuẩn xác định các đặc tính và thuộc tính cần có trong chính sách.
Lãnh đạo cam kết đối với hệ thống quản lý và đảm bảo có sự tham gia tích cực của người lao động trong xây dựng, hoạch định, thực hiện và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.
Điều khoản 6: Hoạch định
Hoạch định luôn là yếu tố quen thuộc trong quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, nhưng giờ đây được tập trung nhiều hơn để đảm bảo được xem xét cùng với đầu ra của Điều khoản 4 . Hoạch định là quá trình tiếp diễn dự đoán các thay đổi trong hoàn cảnh. Hoạch định khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 45001 bao gồm việc xác định rủi ro và cơ hội cần được giải quyết để đảm bảo hệ thống đạt được các kết quả dự kiến, ngăn ngừa/giảm các tác động không mong muốn. Việc xác định và đánh giá rủi ro là thành phần quan trọng; gồm các hoạt động thường xuyên và không thường xuyên giữa các hoạt động khác.
Cần thiết lập và duy trì quá trình để đánh giá rủi ro và cơ hội, đưa ra cách thức chủ động quản lý ủi ro và cơ hội. Tiêu chuẩn ISO 45001 yêu cầu tổ chức thiết lập quá trình xác định và cập nhật yêu cầu pháp lý và các yêu cầu khác áp dụng đối với các mối nguy và rủi ro khi quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Mục tiêu của tiêu chuẩn ISO 45001 đó là cần phải duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Điều khoản này cũng đề cập đến việc hoạch định các thay đổi, cần phải thực hiện một cách có kế hoạch và hệ thống.
Điều khoản 7: Hỗ trợ
Tại điều khoản này của tiêu chuẩn ISO 45001 yêu cầu doanh nghiệp phải xác định và cung cấp các nguồn lực cần thiết để thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Điều này bao gồm các nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp cần phải xác định năng lực cần thiết đối với người lao động tác động hoặc có thể tác động đến kết quả hoạt động quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp và đảm bảo họ nhận được giáo dục và đào tạo phù hợp.
Điều khoản 8: Điều hành
Điều khoản này liên quan đến việc thực hiện kế hoạch và quá trình được đề cập đến trong các Điều khoản trước. Thiết lập hoạch định và kiểm soát vận hành để đáp ứng các yêu cầu của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp gồm các kiểm soát để giảm thiểu rủi ro. Các kiểm soát vận hành có thể sử dụng một loạt các biện pháp, có thể kết hợp nhiều bước như loại bỏ mối nguy, thay thế bằng hoạt động không nguy hiểm, thực hiện các biện pháp bảo vệ và đảm bảo sử dụng thiết bị bảo hộcá nhân.
Các thay đổi cần được hoạch định có hệ thống, đảm bảo không đem lại mối nguy, rủi ro mới hoặc không lường trước. Đồng thời, phải sử dụng quá trình để xác định cơ hội quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro.
Điều khoản 9: Đánh giá kết quả hoạt động
Đây là điều khoản không thể thiếu khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 45001 hay bất cứ tiêu chuẩn nào. Doanh nghiệp cần xác định những thông tin cần thiết để đánh giá kết quả hoạt động và hiệu lực của tiêu chuẩn ISO 45001. Tần suất theo dõi và đo lường cần phải thích hợp với quy mô và bản chất của doanh nghiệp, cần phải lưu giữ thông tin dạng văn bản cung cấp bằng chứng cho những hoạt động này.
Điều khoản 10: Cải tiến
Do tiêu chuẩn có cấu trúc mới và tập trung vào rủi ro, nên cần có một số yêu cầu mới cụ thể hơn về hành động khắc phục. Đầu tiên là phải phản ứng với các sự cố hoặc sự không phù hợp và kịp thời để kiểm soát và sửa chữa những sự cố đó. Hãy phân tích nguyên nhân để tìm ra tất cả các yếu tố khả năng liên quan đến sự cố bằng cách hỏi điều gì đã xảy ra và tại sao lại xảy ra. Thứ hai phải xác định xem có tồn tạị sự cố tương tự hoặc có khả năng xảy ra, để có hành động khắc phục nếu cần thiết.
Trên đây là 10 điều khoản trong tiêu chuẩn ISO 45001. Nếu doanh nghiệp bạn chưa có nhiều thông tin, kiến thức chuyên môn về tiêu chuẩn này, hãy liên hệ với ISO-CERT để được hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng nhất nhé!